Hoạt động Liên minh HTX và thành viên
Tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian qua các hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã ngày càng đa dạng. Hiện nay, nhiều hợp tác xã đã đầu tư trang thiết bị hiện đại để tổ chức sản xuất, mở rộng ngành nghề, xây dựng mô hình hoạt động hiệu quả theo phương thức liên kết sản xuất gắn với chuỗi giá trị để tăng thu nhập và tạo dựng niềm tin với xã hội về mô hình hợp tác xã. Chuyển đổi số sẽ là công cụ phục vụ đắc lực cho nông dân, các doanh nghiệp nhỏ, giúp các hợp tác xã sản xuất kinh doanh tốt hơn, bền vững hơn theo xu thế thời đại góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường, hạn chế được chi phí từ các bước trung gian. Không chỉ vậy, công nghệ số cũng tham gia vào quá trình phát triển thị trường thông qua việc bán hàng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội của các hợp tác xã. Ngoài ra, các hợp tác xã nông nghiệp -thủy sản đã thể hiện có hiệu quả vai trò tập hợp, vận động bà con nông dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước thực hiện việc liên doanh, liên kết tiêu thụ hàng hóa nông sản cho thành viên.
Chuyên gia nước ngoài sử dụng điện thoại thông minh để quét mã QR code truy xuất nguồn gốc ngay tại vườn tiêu HTX Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Bầu Mây (huyện Xuyên Mộc).
Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ Nhân Tâm được thành lập năm 2008, có 18 hộ trồng nhãn xuồng cơm vàng với diện tích khoảng 29,2ha. Trước đây, các hộ trồng nhãn xuồng cơm vàng thường bị thương lái ép giá hoặc phải mua phân bón, vật tư với giá cao. Khi tham gia hợp tác xã, thành viên được tập huấn kiến thức, kỹ thuật về cách chăm sóc, cách phòng dịch bệnh và được chia sẻ liên kết thị trường, mở rộng quy mô sản xuất... Nhờ đó, nhiều năm nay trái nhãn xuồng cơm vàng đã vào được hệ thống siêu thị trong cả nước và tạo được thương hiệu uy tín trên thị trường. Chọn hướng đi mới, tận dụng thế mạnh từ phát triển cây nhãn xuồng cơm vàng, Hợp tác xã nông nghiệp và dịch vụ Nhân Tâm nhanh chóng trở thành một trong những hợp tác xã điển hình tiên tiến. Không chỉ trồng theo phương pháp truyền thống, nhiều năm qua, Hợp tác xã là đơn vị tiên phong chuyển đổi trồng nhãn xuồng cơm vàng theo quy trình Việtgap, từng bước xây dựng thương hiệu cho trái nhãn xuồng "Made in Bà Rịa - Vũng Tàu". Năm 2023 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Tâm được cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm nhãn xuồng.
Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Bầu Mây được thành lập năm 2015. Khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu bùng nổ, Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ Bầu Mây là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số. Để thúc đẩy doanh số bán hàng trong và ngoài nước, hợp tác xã đã số hóa cho sản phẩm hồ tiêu như sử dụng tem truy xuất nguồn gốc, quét mã QR cho các sản phẩm hồ tiêu; đưa lên sàn thương mại điện tử… Nếu như trước đây, nông dân phải đưa sản phẩm đến các điểm triển lãm nông sản thì nay đưa lên sàn thương mại điện tử, tiếp cận với nền tảng số, việc quảng bá trở nên dễ dàng, đơn giản và tiết kiệm chi phí hơn.
Chuyển đổi số đã giúp các ngư dân, tàu cá, hợp tác xã thủy sản tạo bứt phá trong thông tin, phát triển hội nhập thế giới nhanh hơn. Hợp tác xã dịch vụ và khai thác thủy sản Quyết Thắng, được thành lập từ năm 2005, hoạt động trong lĩnh vực khai thác đánh bắt thủy sản xa bờ, cho thuê nhà lồng lựa rửa cá, mua bán thủy sản. Việc Hợp tác xã xây dựng đội tàu cá công suất lớn bằng vật liệu mới, được trang bị thiết bị hiện đại giúp các thành viên có thể khai thác được dài ngày trên biển, độ an toàn cũng như hiệu quả vượt bậc. Từ đó, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất của ngư dân, từ nhỏ lẻ sang làm ăn lớn, không chỉ tăng thu nhập mà còn đoàn kết vươn khơi bám biển. Hàng năm, mỗi cặp tàu đánh bắt khoảng 50-60 tấn hải sản các loại, trong đó 40% xuất khẩu đi các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Trung Quốc, 60% còn lại tiêu thụ nội địa, với tổng doanh thu bình quân khoảng 50 tỷ đồng/năm.
Hiện nay, ngày càng có nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia quảng bá sản phẩm trên nền tảng thương mại điện tử, bán hàng bằng hình thức livestream, sử dụng website để giới thiệu, quảng bá; thực hiện phương thức tiếp thị trên các nền tảng số, quảng cáo trên Facebook, Google, Tiktok... Điều này không những giúp khách hàng cập nhật thông tin về hợp tác xã nhanh hơn mà còn có thể dễ dàng so sánh giá cả với các sản phẩm cùng loại của đơn vị khác. Việc chuyển đổi số trong đơn vị thông qua việc sử dụng các nền tảng số sẽ giúp hợp tác xã tối ưu hoá hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những hợp tác xã nhanh chóng ứng dụng và tham gia vào bán hàng trực tuyến vẫn còn khá nhiều mô hình đang chật vật trong việc đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử hoặc không biết đến những mô hình quảng cáo, tiếp thị sản phẩm hay sàn thường mại điện tử.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã và đang đẩy mạnh tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, trình độ cho cán bộ quản lý Hợp tác xã về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử; tập trung vào kỹ năng tiếp thị, xây dựng kế hoạch... Từ đó, giúp Hợp tác xã thay đổi thói quen tập quán kinh doanh và tiêu dùng theo phương thức hiện đại và hiệu quả hơn.
Nam Hà
Văn Bản Mới
- 628- LMHTXVN/CSPT (17/10/2019) Tham gia cuộc vận động "Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn...